Bệnh đạo ôn hại lá lúa do nấm Pyricularia oryzae gây ra là một trong những dịch hại nguy hiểm làm ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng hạt lúa. Để chủ động phòng trừ bệnh hiệu quả, bà con cần nắm rõ về bệnh và biện pháp phòng trừ hiệu quả.
Bệnh đạo ôn trên lúa
Tên thường gọi: bệnh đạo ôn, bệnh cháy lá, đạo ôn sụp mặt
Tên khoa học: Pyricularia oryzae
Các loại cây trồng thường bị bệnh: lúa, ngô…
Nguyên nhân gây bệnh
Bệnh do nấm Pyricularia Grisea (Cook) Saccardo hay Pyricularia Oryzea Cav. Et Bri. thuộc họ Moniliales lớp Nấm bất toàn.
Cành bào tử phân sinh hình trụ, đa bào, không phân nhánh, đầu cành thon và hơi gấp khúc. - --Nấm thường sinh ra cụm cành từ 3-5 chiếc, bào tử phân sinh hình quả lê hoặc hình nụ sen, thường có 2-3 ngăn ngang, bào tử không màu. Trên một cành có thể hình thành 3-40 bào tử, một vết bệnh điển hình có thể sinh ra trong không khí 2000-6000 bào tử.
Nấm đạo ôn sinh trưởng thích hợp ở nhiệt độ 25-28oC và ẩm độ không khí cao (trên 93%). Phạm vi nhiệt độ nấm sinh sản bào tử 10-30oC. Ở 28oC cường độ sinh bào tử nhanh và mạnh nhưng sức sinh sản giảm dần sau 9 ngày, trong khi đó ở 16oC, 20oC và 24oC sự sinh sản tăng và kéo dài tới 15 ngày sau đó mới giảm. Điều kiện ánh sáng âm u có tác động thúc đẩy quá trình sinh sản bào tử của nấm. Bào tử nẩy mầm tốt nhất ở nhiệt độ 24-28oC và có giọt nước đọng tối thiểu 4 giờ trên phiến lá nằm ngang (giai đoạn mạ, cuối đẻ nhánh, đòng trỗ), trên cổ áo lá (giai đoạn đòng, trỗ), trên cổ bông, gié và hạt (giai đoạn “chia vè”, trỗ, chín sữa, chín sáp). Quá trình xâm nhập của nấm vào cây phụ thuộc rất nhiều vào nhiệt độ, ẩm độ không khí và ánh sáng; ở điều kiện bóng tối, nhiệt độ 24oC và ẩm độ bão hòa là thuận lợi nhất cho sự xâm nhập của nấm vào cây. Ở các tỉnh phía Bắc bào tử có trong không khí quanh năm với những cao điểm từ tháng 4 đến tháng 5 và từ tháng 11 đến tháng 12. Trong quá trình gây bệnh nấm tiết ra một số độc tố có tác dụng kìm hãm sự sinh trưởng của cây lúa. Nấm đạo ôn có khả năng biến dị cao, tạo ra nhiều chủng, nhóm nòi sinh học.
Cách nhận biết triệu chứng bệnh đạo ôn
- Trên lá: Đầu tiên là những chấm nhỏ màu vàng nhạt, vết mờ tựa giọt dầu. Về sau giữa vết bệnh xuất hiện một chấm màu nâu rất nhỏ bằng mũi kim và lớn lên rất nhanh, vết tròn hoặc bầu dục. Sau cùng vết bệnh phát triển hình thành hình thoi, ở giữa có màu xám trắng, xung quanh màu nâu đậm, vòng ngoài màu nâu nhạt, đây là vết bệnh điển hình của bệnh đạo ôn trên lá. Nếu điều kiện thuận lợi thì giữa vết bệnh màu xám tro và xung quanh chỉ có viền vàng, không có viền màu nâu, lúc này bệnh đạo ôn có khả năng phát trển rất mạnh. Trường hợp bệnh nặng, các vết bệnh thường nối liền nhau tạo thành vết lớn làm toàn phiến lá cháy khô, vùng bị nhiễm nặng có thể bị cháy trụi hoàn toàn, bộ rễ bị thối và lúa không thể hồi phục
- Trên đốt thân: vết bệnh màu nâu bao quanh đốt thân làm đốt khô, teo lại. Các đốt thân gần gốc bị mục ra làm cho gốc bị gãy đổ.
- Cổ bông, cổ gié: vết bệnh ban đầu là một chấm nhỏ màu đen đoạn cổ giáp tai lá về sau lớn dần làm cổ bông héo gãy, bông lúa trắng hoặc lép lửng.
- Trên hạt: Vết bệnh không định hình, có màu nâu xám. Nấm bệnh ký sinh ở vỏ trấu và có thể ở bên trong hạt. Hạt giống bị bệnh là nguồn truyền bệnh sang vụ khác.- Trên hạt: vết bệnh có hình tròn, viền nâu, tâm màu xám trắng, đường kính khoảng 1 – 2 mm, làm hạt lúa bị lem lép, Nếu bị bệnh sớm, hạt lúa có thể bị lép hoàn toàn.
Bệnh đạo ôn nếu không được phòng trừ sớm và hiệu quả rất dễ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất. Vì vậy, bà con nông dân cần thường xuyên kiểm tra, bám sát đồng ruộng để phòng trừ bệnh kịp thời hiệu quả, bảo vệ năng suất cho cây trồng vụ Đông xuân năm 2023 – 2024.