Môi trường đất là một hệ sinh thái phức tạp được hình thành qua nhiều quá trình sinh học, vật lý và hóa học. Trong đó, các loại sinh vật đất tác động lẫn nhau bởi những điều kiện môi trường nhất định như độ ẩm, nhiệt độ, chất dinh dưỡng, năng lượng mặt trời,… tạo thành một hệ sinh thái đất vô cùng phong phú. Vậy hệ sinh vật trong đất bao gồm những gì? Tầm quan trọng ra sao?
1. Hệ vi sinh vật trong đất bao gồm?
Với đất có thành phần tốt, chỉ cần khoảng 5g đã có thể chứa hàng triệu sinh vật đất. Một vài trong số chúng có nguồn gốc từ động vật, một số khác có nguồn gốc từ thực vật. Kích thước của các sinh vật cũng biến đổi rất lớn.
Một số có thể nhìn được bằng mắt thường như giun đất, ve bét, con dài đuôi hoặc mối. Tuy nhiên, hầu hết chúng đều rất nhỏ bé và chỉ có thể nhìn thấy chúng qua kính hiển vi – chúng được gọi là vi sinh vật.
Các vi sinh vật quan trọng nhất là các vi khuẩn, nấm và sinh vật đơn bào. Trong đó vi khuẩn là nhóm chiếm nhiều nhất về số lượng bao gồm: vi khuẩn háo khí, vi khuẩn kị khí, vi khuẩn tự dưỡng, vi khuẩn dị dưỡng,… Nếu chia theo các nguồn dinh dưỡng thì lại có nhóm tự dưỡng cacbon, tự dưỡng amin, dị dưỡng amin, vi khuẩn cố định nitơ,…
2. Vi sinh vật đất: Kẻ thù hay là bạn?
Nhiều nông dân coi tất cả vi sinh vật chỉ là dịch hại và nghĩ “làm thế nào để giết chúng?” Trong khi thực tế chỉ có rất ít vi sinh vật đất có thể gây hại cây trồng, còn phần đông trong số chúng là quan trọng và được sử dụng rất nhiều để tạo độ phì cho đất.
3. Điều kiện nào để vi sinh vật trong đất phát triển tốt?
Đa số các sinh vật đất rất nhạy cảm với sự thay đổi nhiệt độ và ẩm độ trong đất. Vì rễ cây và sinh vật sử dụng không khí, nên làm lưu thông không khí trong đất tốt là yếu tố quyết định cho sự phát triển của chúng. Nhìn chung, các sinh vật đất hoạt động kém khi đất bị quá khô, quá ướt hoặc quá nóng. Chúng hoạt động mạnh nhất khi ở trong đất ấm, ẩm và sẵn có thức ăn.
4. Tầm quan trọng của hệ vi sinh vật trong đất
Các vi sinh vật là yếu tố then chốt tạo nên chất lượng và sự màu mỡ của đất. Chủng loại vi sinh vật càng nhiều và số lượng của chúng càng cao thì độ phì tự nhiên của đất càng lớn.
Chúng giúp phân hủy vật liệu hữu cơ và tạo ra mùn đất.
Chúng hòa trộn vật chất hữu cơ với các hạt đất và vì thế tập hợp các hạt đất thành một kết cấu ổn định không dễ bị vỡ rời ra.
Chúng tạo thành các đường ngầm giúp rễ cây phát triển sâu và làm thông thoáng đất, hỗ trợ các phân tử khoáng giải phóng dinh dưỡng vào đất.
Giúp khống chế sâu hại và các sinh vật gây bệnh làm ảnh hưởng tới rễ cây.
Vi sinh vật tham gia vào quá trình phân giải hữu cơ thành dạng vô cơ cho cây trồng hấp thụ, biến dạng vô cơ khó tiêu thành dễ tiêu,…
Vi sinh vật vùng rễ
Vi sinh vật sống trong vùng rễ có quan hệ mật thiết với cây, chúng sử dụng những chất tiết của cây làm chất dinh dưỡng, đồng thời cung cấp chất dinh dưỡng cho cây qua quá trình hoạt động phân giải của mình. Ngược lại, vi sinh vật còn tiết ra các vitamin và chất sinh trưởng có lợi đối với cây trồng.
Trong quá trình hoạt động của vi sinh vật, nhất là nhóm háo khí đã hình thành nên một thành phần của mùn là acid humic. Acid humic có vai trò hết sức quan trọng cùng với các acid mùn khác có tác dụng kích thích sự phát triển của hệ rễ để hấp thu chất dinh dưỡng tốt hơn, cây sinh trưởng phát triển mạnh hơn.
Giải phóng các chất khoáng bị giữ chặt trong đất thành dạng cây có thể hấp thụ dễ dàng. Ví dụ: Lưu huỳnh (S), Sắt (Fe), Kali (K)…
Hệ sinh vật đất còn có vai trò quan trọng trong quá trình cố định Nitơ trong không khí, chuyển hóa đạm thành dạng NH4+ và N03- là dạng cây trồng có thể dễ dàng hấp thụ.
Hệ sinh vật trong đất có quan hệ mật thiết và đóng vai trò quan trọng với đất và cây trồng. Vì vậy, người canh tác cần hiểu rõ tầm quan trọng, cách bảo vệ và phát triển hệ sinh vật trong đất. Cải thiện hệ sinh vật đất là bước tiến đầu tiên cho việc nâng cao chất lượng và năng suất cây trồng, đặc biệt đối với canh tác hữu cơ, thuận tự nhiên.